-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Máy nhôm hệ của tôi đã hết thời hạn bảo hành, tôi cần chuẩn bị những gì để máy hoạt động ổn định?
04/01/2022 Đăng bởi: NGUYỄN VĂN HẢI
"Máy nhôm hệ của tôi đã hết thời hạn bảo hành, tôi cần chuẩn bị những gì để máy hoạt động ổn định?" Đây là một câu hỏi khá là bao quát bởi vì trong một hệ thống máy cắt cửa nhôm, máy cắt khung nhôm thì có rất nhiều chi tiết máy liên quan như động cơ, máy cắt, lưỡi cắt, thanh trượt, ổ bi dây đai,... cho đến các thiết bị khí nén - tự động hóa như xylanh, van điện từ, bộ lọc, van điều áp,... Và trong khuôn khổ bài viết này cũng những hiểu biết về lĩnh vực khí nén, chúng tôi xin đưa ra những cách thức giữ cho thiết bị của bạn vận hành ổn định và lâu dài nhất có thể cũng như những thiết bị nên chuẩn bị sẵn để có thể thay thế ngay khi cần thiết.
1. Xi lanh khí nén kẹp giữ sản phẩm và đẩy giá cắt
Thông thường khi mua máy về, chúng ta chỉ để ý đến máy cắt có rung hay không, lưỡi cắt dùng bao lâu thì mòn nhưng lại ít khi để ý đến những chiếc xi lanh khí nén đang dùng để kẹp giữ sản phẩm và đẩy giá cắt. Có lẽ khi nhìn vào những cây xy lanh chỉ có đẩy ra và đóng vào theo một hướng nhất định thì chúng ta dễ dàng có suy nghĩ "Cứ thế này thì đến bao giờ mới hỏng cơ chứ". Vậy mà chúng lại là những thiết bị dễ dàng hư hỏng nhất trong hệ thống máy nhôm hệ. Thứ nhất, khi xi lanh đẩy pít tông ra để kẹp và giữ sản phẩm, lúc này lưỡi cắt tiếp xúc với sản phẩm tạo ra những vụn nhôm, bụi nhôm bay ra và bám vào thân xy lanh, khi xy lanh trở về sẽ kéo theo những hạt bụi này vào lòng xy lanh hoặc bám vào gioăng phớt ở đầu xy lanh. Và khi những hạt bụi này tích tụ lâu ngày sẽ mài xước lòng xi lanh cũng như là làm rách gioăng ở đầu xy lanh dẫn đến hiện tượng hở khí.
Về giải pháp, trước tiên chúng tôi xin đưa ra các bước cần làm để duy trì xy lanh hoạt động được lâu dài trong môi trường bụi bặm và nhiều vụn nhôm này. Đó là, ngay sau khi kết thúc công việc của ngày hôm đó, bạn hãy cho xylanh chạy ra hết hành trình rồi dùng súng xì khô, súng thổi bụi để làm sạch những bụi bẩn bám trên nòng xylanh. Lưu ý là thổi bụi ra phía ngoài, tránh thổi ngược vào trong nòng xylanh sẽ khiến cho bụi càng bám chặt hơn.
Thứ hai, bạn hãy quan sát xem hệ thống của mình đã có bộ tra dầu khí nén hay chưa, thông thường thì máy nhôm hệ sẽ được trang bị một bộ lọc đôi kết hợp hợp điều áp, lọc khí và châm dầu. Tuy nhiên, một vài công ty nhằm tiết kiệm chi phí lắp đặt, chỉ dùng bộ lọc khí thôi, và với việc khí nén không được tra dầu thường xuyên, bụi bám lâu ngày vào nòng xylanh sẽ khiến xylanh két lại, chạy chậm hơn và cũng nhanh hỏng hơn do bị xước nòng và rách gioăng phớt.
Một bộ lọc đôi hoàn chỉnh sẽ bao gồm van điều áp và cốc lọc (bên trái) và bình tra dầu (bên phải)
2. Van điện từ và cút nối khí
Van điện từ là một sản phẩm khá nhạy cảm và nhanh hỏng trong hệ thống máy nhôm hệ, bởi nó hoạt động liên tục để đóng mở xylanh và cũng hút lại kha khá bụi bẩn từ xylanh xả ra. Có hai trường hợp hỏng hóc thường gặp đối van điện từ là chết cuộn coil và liệt thân van. Ở trường hợp thứ nhất - chết cuộn coil, thường là do cuộn coil đã đạt đến ngưỡng nhấp nhả (đóng mở xylanh) mà nó được thiết kế, ví dụ 20.000.000 lượt nhấp nhả, mỗi lượt cách nhau 0.05 giây ở cuộn coil của EMC hoặc Parker. Lúc này, bạn chỉ cần chụp lại hình ảnh cả van điện từ, gửi cho chúng tôi và nhớ nói rõ bạn dùng coil 220VAC, 24VDC, 24VAC hay 12VDC để thay thế cho cuộn coil cũ.
Đối với trường hợp liệt thân van, thường thì lúc này bụi bẩn đã lọt vào khá nhiều dẫn đến rách gioăng phớt và làm mòn lõi trục bên trong. Nếu bạn vệ sinh và thay gioăng mới cũng được nhưng van sẽ chỉ hoạt động được thêm một thời gian ngắn nữa rồi lại đứng hình. Vì vậy với trường hợp này, tôi khuyên nên thay van điện từ mới và giữ lại cuộn coil cũ để dự phòng sau này, phòng trường hợp hỏng cuộn coil thì còn có đồ thay thế để không bị ngưng trệ sản xuất.
Bên cạnh đó, đôi lúc van điện từ không hoạt động, chúng ta lại lầm tưởng là do van gặp trục trặc nhưng thực tế lỗi lại xuất phát từ cút nối nhanh. Những chiếc cút nối này, trông thì đơn giản nhưng bên trong nó là một hệ thống gioăng phớt, lẫy giữ liên kết chặt chẽ với nhau, thường thì khi lắp máy nhôm hệ, người ta sẽ không chú trọng những chiết cút nối này lắm, mà sẽ sử dụng cút nối rẻ để tiết kiệm chi phí. Sau một thời gian khí nén đi qua cút nối liên tục, sẽ làm hệ thống giữ giây kia trùng xuống, đầu nối nhanh không còn ngậm chặt dây như ngày đầu nữa, nhẹ thì hở khí mà nặng thì bung cả dây ra ngoài. Với những chiếc cút nối khí ở van điện từ cũng như xylanh thì tôi khuyên bạn nên dự phòng từ 5-10 chiếc mỗi loại ở kho và hãy sắm cho mình những loại cút nối chất lượng bởi chẳng ai muốn thường xuyên thay ra vặn vào mấy chiếc cút nối trong khi có cả tá thiết bị quan trọng hơn cần bảo dưỡng cả.
Một chiếc cút nối nhanh mà chứa đựng trong nó quá nhiều chi tiết
3. Van điều áp và bộ châm dầu
Van điều áp và bộ châm dầu là hai chi tiết mà chúng ta ít tác động tới nhất, máy có như nào thì cứ thế mà dùng thôi. Tuy nhiên, một vài lưu ý nhỏ dành cho van điều áp mà tôi vẫn phải nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần với anh em làm nghề, đó là phải giật núm lên rồi mới điều chỉnh áp, đạt được mức áp mong muốn rồi thì đóng cái núm ấy lại. Nhiều anh em khi nhận máy về, hào hứng quá, cứ thế vặn để chỉnh áp luôn trong khi khí nén cấp vào đang ở mức áp cao, thế là gẫy luôn cả cổ van, xì khí tùm lum hết cả. Không chỉ vậy, khi đồng hồ trên van ghi mức áp tối đa là 0.8mpa (hay 8 bar) thì chỉ nên dùng trong khoảng 7 bar trở xuống thôi, cũng như khi bạn đi xe máy, trên mặt đồng hồ ghi là 140 km/h nhưng có bao giờ chúng ta chạy đến mức đó đâu, bởi như vậy sẽ khiến thiết bị hoạt động hết công suất của nó, dẫn đến rung lắc, hoạt động không ổn định và hỏng hóc là điều khó tránh khỏi.
Đây là về van điều áp, còn người anh em của nó là cục châm dầu (hay tra dầu) cũng phải nhận được sự lưu tâm nhất định. Thông thường thì chúng ta sẽ mắc một lỗi cố hữu đó là quên châm dầu vào cục này, có thể do lười do chủ quan nghĩ rằng còn lâu mới hết dầu nên không để tâm đến nó, khiến cho xylanh, van điện từ khô không khốc, bụi bám đầy mà không có cái bôi trơn để đẩy cái đám đó đi. Tuy nhiên, một lỗi còn nghiêm trọng hơn cả quên châm dầu, đó là chỉnh lượng dầu quá nhiều. Theo khuyến cáo của các hãng thì giọt dầu bạn nhìn thấy được trong núm nhựa trong suốt nho nhỏ ở trên nắp bình dầu, chỉ nên từ 2 đến 3 giọt chảy mỗi phút, nghĩa là rất chậm. Có bạn khoe với chúng tôi rằng hệ thống của họ ngốn dầu ghê gớm, mỗi ngày hết veo một bình châm dầu tương đương 750ml nên dùng bộ lọc đôi cỡ lớn AW5000-10 là hợp lý. Bạn ấy đâu biết rằng, việc cho dầu chảy liên tục vào hệ thống với một lượng lớn như vậy, trước hết là tạo áp lực lên phần núm điều chỉnh lượng dầu, làm chi tiết này hỏng rất nhanh và sau đó sẽ biến hệ thống khí nén của bạn thành một hệ thống thủy lực vì có quá nhiều dầu bên trong khí nén. Chính vì vậy, đừng quên đổ dầu vào bình châm dầu của bạn để giúp hệ thống xylanh, van điện từ hoạt động trơn chu nhưng cũng đừng để số giọt dầu quá nhiều khiến hệ thống ra đi trước khi bạn nhận ra vấn đề.